Welcome, Guest

Người xưa thường tâm niệm rằng, làm người không nên quá tính toán, so đo. Người lương thiện, chịu thiệt cũng không phải là chuyện xấu, bởi vì khi bạn đối xử tốt với người khác thì chính là đang tích phúc khí cho mình, cuối cùng cũng sẽ được đền đáp thỏa đáng. 

Văn hóa truyền thống dạy con người lấy đức báo oán, không nên tranh giành, oán hận người khác. Lão Tử cũng giảng về đạo lý “không tranh với đời” để có thể đạt được cảnh giới vô vi.

Trong cuộc đời, dẫu cho một người có tranh giành được thứ gì thì cũng chẳng thể vì nó mà có được sự bình an. Tranh được lợi lộc thì mất đi lương thiện. Tranh được danh tiếng thì mất lòng người. Tranh được tình thì mất tỉnh táo. Tranh đoạt được thứ của người khác thì tâm sẽ bất an, không lúc nào nguôi. Phàm là những thứ khiến người ta phải vắt óc nghĩ kế giành giật thì đều không mang đến bình an trong tâm mình, thay vào đó chỉ là phiền não, thống khổ và thù hận mà thôi.

Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích đức. Hơn nữa, họ cũng thông hiểu rằng, đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất.

Trái lại, nếu như luôn luôn khiến cho người khác phải chịu hại chịu thiệt, như thế thì người này chẳng phải là mất đức rồi sao? Làm nhiều việc xấu còn bị trời trừng phạt, thật sự là cái được không bù nổi cái mất.

 

Người không tranh, nguyện ý chịu thiệt thòi là người quảng đại. Một người có tấm lòng quảng đại bao nhiêu thì phúc lộc cũng lớn bấy nhiêu. Hơn nữa, phúc báo của một người không phải cứ tranh giành là được. Trái lại, càng tranh giành danh lợi thì càng làm tổn hại phúc thọ của bản thân. Từ xưa đến nay, không có một gia đình nào tranh giành tài sản lẫn nhau mà được thịnh vượng, hòa thuận, trở thành “danh gia vọng tộc”.

 

“Chịu thiệt” là hành vi của người quân tử

Ngụy Hi – người được xưng là “Thanh sơ tam đại gia” (một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều đại nhà Thanh) đã từng nói: “Ta không biết như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là sẽ biết. Ta không biết được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết.”

Suy ngẫm một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy rằng thật đúng là như vậy! Có thể chịu thiệt quả là không phải một việc dễ dàng. Cần phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng lớn mới có thể chịu thiệt thòi một cách cam tâm tình nguyện.

Có thể nguyện ý chịu thiệt, khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được (tức là biết ứng phó thích hợp với tình hình cụ thể) thì chính là hành vi của một chính nhân quân tử. Chẳng trách mà người xưa dùng tiêu chuẩn “có hay không có khả năng chịu thiệt” là một trong những yếu tố đầu tiên để phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân.

LXN (Sưu tầm)